Lịch sử dụng Trầm hương tại Nhật Bản
Là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa từ Trung Quốc, Nhật Bản cũng có truyền thống sử dụng Trầm và hoạt động giao thương khá phát triển với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, ở Nhật việc sử dụng Trầm cho dược liệu hay chữa bệnh khá hạn chế khi nguồn Trầm chủ yếu được dùng trong hoạt động tôn giáo và văn hóa, cụ thể là Phật giáo và Hương đạo.
Trầm hương trong tiếng Nhật là jin-koh, nghĩa là chìm đắm trong hương thơm (sinking fragrance). Nội dung của khái niệm trên đã cho thấy rõ giá trị của Trầm hương đối với đời sống văn hóa sự coi trọng của người dân Nhật Bản đối với sản phẩm này. Việc sử dụng Trầm hương ở Nhật Bản gắn liền với việc du nhập Phật giáo vào quốc gia này ở thế kỷ 6 dưới triều đại của Thiên hoàng Kimmei (549-571). Năm 553, Thiên hoàng Kimmei đã cho chạm khắc 2 tượng Phật tổ từ gỗ long não (camphor wood). Trong Biên niên sử Nhật Bản (Nihon Shoki), ghi chép đầu tiên về Trầm hương là vào năm 595: “một cây gỗ Trầm (aloeswood) trôi dạt vào đảo Awaji (gần Kobe). Nó có chu vi khoảng 6 bước chân. Người dân trên đảo không có khái niệm về gỗ Trầm nên đã sử dụng nó như củi đun để nấu ăn, khiến mùi thơm của nó lan rộng và bao trùm hòn đảo. Thấy vậy, họ dâng lên Thiên hoàng Suiko như một món quà”.[9] Thái tử Shotoku nhận ra đó là jin-koh và đã giới thiệu cho toàn thể dân chúng biết về giá trị của Trầm hương, đặc biệt trong những vấn đề liên quan đến Phật giáo. Nếu như Thái tử Shotoku biết khối gỗ đó là Trầm thì thực tế trong Hoàng gia Nhật Bản có thể đã sử dụng Trầm từ trước đó. Khi Thiên hoàng Tenji (626 – 672) bị bệnh năm 671, ông đã dâng lên Phật tổ (trong một ngôi chùa ở Kyoto) một loạt đồ lễ nhằm cầu bình an, trong đó có Trầm hương và gỗ đàn hương. Khối Trầm nổi tiếng nhất và được coi là quốc bảo của Nhật Bản là Ranjatai (quà từ Trung Quốc). Ranjatai nặng 11,6kg và dài 1,56m được chuyển về từ Trung Quốc làm cống vật cho Thiên hoàng Shomu (724 – 748). Sau đó khối Trầm này được cất giữ tại ngôi chùa Phật giáo Todai-ji ở Nara. Ngày nay khối Trầm này vẫn còn nguyên vẹn, được quản lý bởi cơ quan Hoàng gia Nhật Bản và được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Nara.
Cùng với việc đốt Trầm trong các chùa chiền, việc thưởng Trầm đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng, cao quý và thanh lịch của Nhật Bản. Việc đốt Trầm xuất hiện trong giai đoạn Nara của lịch sử Nhật Bản (710-794)[10] nhưng thưởng thức Trầm trở nên phổ biến trong thời kì Heian (794-1185)[11]. Các loại hương Trầm lúc này là sự pha trộn của Trầm hương, đường, quả mận hoặc nho khô có giá rất cao tại Nhật Bản khi đó và được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc (nhà Đường).[12] Đốt Trầm cũng trở thành biểu tượng của quyền lực và sự giàu sang ở Nhật. Ví dụ, đại lãnh chúa (Daimyo) Sasaki Douyo (1296-1373) thường đốt những mảnh gỗ Trầm lớn sau mỗi kì thu hoạch lương thực tại đền Shoji ở ngoại thành Kyoto để thể hiện sự giàu có, sung túc của ông.
Nhang, hương Trầm ở Nhật Bản khá là khác biệt khi hầu hết các sản phẩm chất lượng cao được làm từ nguyên liệu thô tự nhiên, gồm phần lớn là Trầm hương cùng với các thành phần khác như gỗ đàn hương (sandalwood), cánh kiến trắng (benzoin) được tạo hình cẩn thận vào làm khô. Người tham gia thưởng Trầm phân biệt và đánh giá chất lượng của các loại hương khác nhau, bao gồm cả những sản phẩm địa phương như cây thông, cây tuyết tùng và các cây nhập khẩu như Trầm hương, đàn hương, quế (cinnamon) và đinh hương (clove).[13] Ban đầu, giới quý tộc Nhật du nhập những nghi lễ, cách thức đốt Trầm và nguyên liệu Trầm từ Trung Quốc. Đến thế kỷ thứ 9, họ bắt đầu ngừng nhập khẩu sản phẩm Trung Quốc và chế tạo những sản phẩm có đặc trưng riêng. Đến thế kỷ 12, Hoàng tử Kaya đã giới thiệu 6 hương thơm nổi tiếng (Six Scents), là sự tổng hòa từ Trầm hương, đinh hương, vỏ sò, hổ phách (amber), đàn hương và xạ hương (musk) với tỉ lệ khác nhau. Cả 6 loại hương trên đều vô cùng quý hiếm và đắt đỏ do nguyên liệu hầu hết không thể tìm thấy ở Nhật và phải nhập khẩu từ Đông Nam Á nên chỉ có giới quý tộc mới đủ điều kiện mua và sở hữu. Sáu loại hương Trầm do đó đã trở thành những món quà đắt đỏ. Đốt và thưởng thức Trầm do đó trở thành một trong những hoạt động tượng trưng tiêu biểu của giới quý tộc khi hoạt động trung tâm là họ đốt và thưởng thức các mùi hương khác nhau.
Trầm (jin-koh) được cắt thành nhiều mảnh nhỏ khác nhau, với tên gọi “mei-koh”. Từng miếng “mei-koh” được đặt tên khác nhau bởi những chuyên gia về Trầm thông qua việc đánh giá chất lượng Trầm. Những “mei-koh” được lưu giữ trong những hộp đựng được làm bằng đồ sơn mài và chạm trổ tinh xảo để lưu truyền cho nhiều thế hệ con cháu. Sự kết hợp các mảnh nhỏ Trầm hương với các nguyên liệu khác tạo ra các loại hương đốt nổi tiếng. 1 Sho-koh thường gồm 5, 7 hoặc 10 thành phần khác nhau, bao gồm Trầm hương, đàn hương, đinh hương, gừng, hổ phách và một chút pha trộn các mảnh vỏ cây trộn. Loại này thường được đốt trên ban thờ Phật. 2 Naru-koh (khối Trầm được nhào nặn) là sự pha trộn của khoảng 20 thành phần hương liệu khác nhau, được kết dính bằng mật ong hoặc phần thịt của quả mận. Sau khi nhào trộn, khối hỗn hợp được cất trong những hũ sành và được chôn dưới đất ẩm ít nhất 3 năm để tạo độ thơm sâu đậm. Mỗi gia đình lại có công thức trộn và quá trình làm khác nhau, dẫn đến hương cũng có sự khác biệt. 3 Sen-koh (thanh Trầm) là dạng phổ biến nhất trong các sản phẩm Trầm ở Nhật Bản. Độ dài, mảnh của thanh Trầm cũng có sự khác biệt theo thời gian. Thanh Trầm có thành phần, chất lượng khác nhau dựa vào tỉ lệ Trầm (jin-koh) nên giá thành cũng khác nhau. Ngoài ra còn có các sản phẩm như Ensui-koh hay Nioi-bukuro nhưng không phổ biến như mấy loại trên.
Mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau chứng kiến sự thay đổi và phát triển của một loại Trầm khác nhau. Ví dụ, thế kỷ 11 là sự lên ngôi của soratakimono, hay sự pha trộn của các nguyên liệu tự nhiên mang hơi hướng của các dược liệu truyền thống. Sau đó takimono thể hiện tính thời thượng hơn khi giới quý tộc dùng hương thơm để đánh giá sự giàu có, khác biệt giữa họ và thường dân. Nerikoh thịnh hành ở thời kỳ Kamakura (1185-1333)[14] lại là sự pha trộn, kế thừa những hương thơm từ Trung Quốc với công thức riêng của Nhật hoàng và quay trở lại việc sử dụng lượng lớn Trầm hương để đốt. Tiến triển từ hoạt động đốt Trầm đó, trong giai đoạn Muromachi, hương đạo (koh doh) đã ra đời.
Từ việc đốt và thưởng thức Trầm, hoạt động trên đã phát triển thành một lễ kỉ niệm mang tính đặc trưng riêng: Hương đạo. Đây là hoạt động lễ nghi biểu trưng đặc biệt của hoàng cung và tầng lớp quý tộc, tăng lữ cấp cao. Ban đầu, hương đạo được thực hiện chủ yếu bởi những quý tộc, đại quý tộc, những người có đủ khả năng để sở hữu jin-koh cũng như có đủ tài chính để tổ chức tiệc trà và bình văn. Lúc bấy giờ, hoạt động này được miêu tả bằng cụm từ “koh o kiku” hay “mon-koh”, tức là lắng nghe mùi Trầm. Đến thời kỳ Edo (1603-1867), thưởng Trầm được cả những phụ nữ cao quý và người trong hoàng cung đón nhận khiến cho cụm từ “kyara” vốn chỉ loại Trầm chất lượng tốt nhất trở nên nổi tiếng và được coi là tượng trưng cho cái đẹp, chất lượng. Trong thời kỳ Edo[15] cũng có hiện tượng xuất hiện những trường dạy về Koh-doh để dạy các quý tộc cách thưởng Trầm đúng nhất. Nhưng, sự thay đổi lớn nhất chính là việc mở rộng thưởng Trầm đến với giới trung lưu Nhật Bản. Nguyên nhân chính là sự xuất hiện của người Hà Lan và thương nhân phương Tây trong buôn bán với Nhật đầu thế kỷ 17, dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của bộ phận thương nhân, thợ thủ công và dần hình thành tầng lớp trung lưu giàu có. Với tiền bạc có được, họ cũng nhanh chóng tìm kiếm giá trị văn hóa riêng và thưởng Trầm được tổ chức rộng rãi. Tuy vậy, giới quý tộc vẫn giữ độc quyền những nguồn Trầm tốt nhất và có những công thức bí mật riêng. Trầm được phục vụ theo mùa, ví dụ mùa hè chỉ là những mảnh vỏ gỗ, nhưng mùa đông là Trầm được chế tạo cầu kỳ, cẩn thận (kneaded). Cùng với sự phát triển của hương đạo, nhu cầu buôn bán Trầm cũng phát triển nở rộ trong giai đoạn này.
Sưu tầm.